Chỉ còn chờ dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78km hoàn thành là tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Nha Trang vào TP.HCM nối liền một mạch.
Tuy nhiên, dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo có thể sẽ chưa thể hoàn thành vào tháng 3-2024 do một số vấn đề phát sinh.
Các đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Nha Trang – Cam Lâm đưa vào khai thác vừa qua đã rút ngắn đáng kể thời gian đi ô tô từ TP.HCM đến Bình Thuận, các tỉnh miền Trung và ngược lại.
Từ TP.HCM ra Nha Trang sẽ còn 4-5 giờ
Hiện nay, từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài khoảng 250km đã có ba đoạn cao tốc Bắc – Nam liền mạch với nhau. Đó là các đoạn TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Nếu chạy thông suốt trên các đoạn cao tốc này, thời gian di chuyển đã giảm khoảng một nửa so với trước đây khi đi trên quốc lộ 1.
Nút thắt hiện nay là người dân muốn tiếp tục ra đến Nha Trang thì phải vòng ra “quá giang” quốc lộ 1 trước khi nhập vào cao tốc Nha Trang – Cam Lâm.
“Khớp nối” các đoạn cao tốc Bắc – Nam tại đây chính là dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài khoảng 78km trải dài từ Khánh Hòa, Ninh Thuận đến Bình Thuận.
Theo Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dự án đã khởi công từ tháng 9-2021 dự kiến hoàn thành tháng 3-2024. Tuy nhiên, dự án đang phát sinh nhiều vướng mắc, nguy cơ chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
Trong đó, hạng mục hầm Núi Vung lẽ ra phải hoàn thành từ tháng 3-2023 nhưng quá trình làm phát hiện nhiều vị trí địa chất yếu, khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu nên phải điều chỉnh lại.
Riêng hạng mục trạm thu phí đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có ý kiến về việc điều chỉnh hệ thống thu phí nên chưa có cơ sở thi công. “Việc chậm có ý kiến hệ thống trạm thu phí đã làm chậm tiến độ của gói thầu, ảnh hưởng chung đến toàn dự án”, đại diện nhà đầu tư cho hay.
Cũng theo nhà đầu tư, nếu dự án hoàn thành thì từ TP.HCM đi Nha Trang trong khoảng 4-5 giờ, giảm gần một nửa so với đi trên quốc lộ 1. Dự án còn kỳ vọng sẽ kết nối các trung tâm du lịch, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay… lân cận với tỉnh Ninh Thuận thuận lợi hơn.
TP.HCM đi Nha Trang còn 4-5 giờ
Bao giờ có trạm dừng nghỉ?
Với hai đoạn cao tốc từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo, hiện các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục còn lại để phát huy hết lợi thế tuyến chính.
Theo giám đốc điều hành dự án đoạn Phan Thiết – Dầu Giây Đặng Hùng Thái, việc ưu tiên nhất hiện nay là bốn nút giao còn lại với các tuyến đường ĐT715, quốc lộ 56 (Đồng Nai), ĐT720, quốc lộ 55 (Bình Thuận).
“Dự kiến đến ngày 15-6 sẽ kết thúc thi công các nút giao này để đưa vào khai thác từ ngày 10-7”, ông Thái cho hay.
Còn các hạng mục cầu ngang và đường gom ở đoạn thuộc tỉnh Đồng Nai, ông Thái cho biết nếu điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ hoàn thành trong tháng 7.
Riêng tại Bình Thuận sẽ kết thúc trong tháng 6 cùng với toàn bộ hạng mục còn lại trên tuyến chính. Các hạng mục này chậm so với kế hoạch ban đầu, theo ông Thái, là thiếu đất đắp nền, gần đây địa phương mới tạo điều kiện vừa cho khai thác đất đắp vừa hoàn thiện thủ tục.
Đối với đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, giám đốc điều hành dự án Phạm Quốc Huy cho biết khối lượng công việc còn lại lớn nhất là ở các đường gom dân sinh.
“Địa phương đã vào mùa mưa, đồng thời mặt bằng đi vào khu vực thi công và tập kết máy móc khó khăn hơn nhiều kể từ khi tuyến chính đưa vào khai thác. Vì vậy khả năng phải qua tháng 6 mới hoàn thiện. Còn các hạng mục tại những nút giao sẽ hoàn thành trong tháng 6”, ông Huy nói.
Hiện các tuyến cao tốc mới vừa đưa vào khai thác đều chưa có trạm dừng nghỉ. Với đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, ông Thái cho biết đã trình các cơ quan thẩm quyền xem xét và dự kiến trong quý 3 tới sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư.
Khi đó, nhà đầu tư sẽ triển khai thi công các trạm dịch vụ. Nói thêm về điều này, Bộ GTVT cho biết đã bố trí các điểm dự kiến để xây dựng các trạm dừng nghỉ hai bên tuyến chính. Hiện bộ đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.